Nghẹt mũi, sổ mũi là triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Ban đầu tình trạng này không gây nguy hại nghiêm trọng, chỉ khiến trẻ khó bú, bú ngắt quãng, dễ bị sặc và khuấy khóc. Tuy nhiên nếu không phát hiện và trị nghẹt mũi trẻ sơ sinh đúng cách, kịp thời có thể dẫn đến viêm họng, viêm phế quản ở trẻ.

Nghẹt mũi là tình trạng nước mũi đặc quánh, ứ đọng trong mũi và thường đi kèm hiện tượng niêm mạc mũi sưng, phù nề, tương tự sổ mũi. Với các trẻ lớn, tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi thông thường chỉ gây khó chịu khi trẻ ngủ. Còn với trẻ sơ sinh, do thể tích thở ở mũi trẻ hạn chế, thêm vào đó, khi trẻ bú bình hoặc bú mẹ thì miệng trẻ phải ngậm hoàn toàn, do vậy, nghẹt mũi, sổ mũi ở trẻ sơ sinh thường nghiêm trọng hơn, khiến trẻ bỏ bú, quấy khóc, nôn trớ cả khi thức và khi ngủ.

9 Quy tắc vàng trị nghẹt mũi sổ mũi cho trẻ sơ sinh mẹ cần biết

Nguyên nhân dẫn đến nghẹt mũi, sổ mũi ở trẻ sơ sinh

1. Trẻ sơ sinh nghẹt mũi, sổ mũi ngay sau khi sinh:

Nhiều trẻ sơ sinh ngay từ khi sinh ra đã có tiếng thở khò khè ở mũi và có dấu hiệu nghẹt mũi, sổ mũi. Nếu trẻ chỉ nghẹt mũi, sổ mũi mà không kèm theo các dấu hiệu khác, có thể là do nước nhầy bào thai chưa được hút sạch hết khỏi đường hô hấp của trẻ.

2. Trẻ sơ sinh nghẹt mũi, sổ mũi do niêm mạc mũi bị tổn thương, phù nề:

Ở trẻ sơ sinh, mũi được lót bởi một lớp niêm mạc mỏng với mạng lưới mao mạch dày đặc. Do vậy, việc hút mũi mạnh, liên tục hoặc đưa miệng ống mũi vào sâu rất dễ khiến niêm mạc mũi bị kích ứng, tổn thương dẫn tới phù nề, sưng đỏ. Tình trạng này dẫn đến nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi thậm chí chảy máu mũi ở trẻ. Nhiều trẻ nằm điều hòa nhiều mà không có thiết bị tạo độ ẩm cho không khí trong phòng cũng khiến niêm mạc mũi bị tổn thương.

3. Trẻ sơ sinh nghẹt mũi, sổ mũi do viêm mũi dị ứng:

Ở trẻ sơ sinh có cơ địa bị dị ứng thường khởi phát bằng một đợt nhiễm lạnh, hoặc hít phải bụi nhà, lông súc vật hay khói thuốc, hóa chất. Các tác nhân trên khiến cơ thể trẻ phản ứng bằng các dấu hiệu hắt hơi liên tục, chảy nước mũi trong kèm theo nghẹt mũi.

4. Nghẹt mũi, sổ mũi do viêm mũi, đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ.

Bệnh lý viêm mũi ở trẻ sơ sinh thông thường do nhiễm lạnh, thay đổi thời tiết, thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến niêm mạc mũi ở trẻ sơ sinh chưa thích nghi kịp và phản ứng bằng cách tăng tiết dịch nhầy dẫn đến tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi. Nếu không được vệ sinh đúng cách, dịch nhầy ứ đọng tạo môi trường cho vi khuẩn gây bệnh xâm nhập gây viêm mũi. Trường hợp này cũng có thể kèm theo dấu hiệu sốt nhẹ. Bệnh viêm mũi cũng có thể do nhiễm virus. Trường hợp này thường có biểu hiện chảy nước mũi trong nhiều và kèm theo triệu chứng sốt ở trẻ.

5. Nghẹt mũi, sổ mũi do mắc kẹt dị vật trong mũi:

Trường hợp này rất nguy hiểm. Việc có dị vật trong mũi có thể gây nên nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở, chảy máu mũi do niêm mạc mũi bị tổn thương.

6. Nghẹt mũi, sổ mũi do dị tật bẩm sinh:

Một số dị tật bẩm sinh ở mũi như tắc cửa mũi sau, hẹp phần xương đầu xoang mũi, u bất thường trong hố mũi hoặc chấn thương trong lúc mẹ sinh bé gây tụ máu trong hốc mũi. Triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi do nhóm nguyên nhân này thường xuất hiện ngay sau sinh, dai dẳng, không cải thiện với điều trị nội khoa. Để chẩn đoán cần phải được khám tỉ mỉ bởi các bác sĩ tai mũi họng nhi và trong một số trường hợp cần phải có hình ảnh hỗ trợ như x-quang có cản quang hố mũi hoặc CT. Phẫu thuật là phương pháp điều trị nghẹt mũi sổ mũi cho trẻ sơ sinh dứt điểm.

9 Quy tắc vàng trị nghẹt mũi sổ mũi cho trẻ sơ sinh mẹ cần biết2

9 Cách điều trị nghẹt mũi sổ mũi cho trẻ sơ sinh hiệu quả

1. Làm sạch bầu không khí để trị nghẹt mũi, sổ mũi trẻ sơ sinh:

Luôn phải giữ cho không gian xung quanh bé sạch sẽ, thoáng khí, mát vào mùa hè, ấm và kín gió vào mùa đông. Phòng ngủ hoặc phòng bé sinh hoạt không khói bụi, không khói thuốc, khói bếp… Không nên để vật nuôi như chó, mèo… chơi gần bé vì lông chúng có thể làm cho chứng nghẹt mũi, sổ mũi của bé nặng hơn thậm chí gây chứng hen suyễn. Phòng ngủ của bé cũng không nên để quá kín khiến không khí không lưu thông, càng không được ẩm ướt… vì như vậy sẽ là môi trường thuận lợi để vi sinh vật gây bệnh phát triển, sinh sôi nảy nở.

2. Trị nghẹt mũi sổ mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý:

Nên sử dụng loại dung dịch nhỏ mũi, mắt NaCl 0,9% pha sẵn có bán tại các hiệu thuốc, hoặc dạng phun sương nước muối biển. Khi nhỏ giọt dung dịch nước muối hoặc xịt cần lưu ý, chỉ 1-2 giọt hoặc một lần xịt cho mỗi lỗ mũi và theo tiến trình như sau :

– Đặt trẻ nằm ngửa nghiêng đầu nhẹ sang một bên. Đặt vòi phun chai nước muối biển vào sát vách lỗ mũi, chú ý không được dí sâu vào trong mũi bé.

– Nhỏ nước muối vào mũi bé, chú ý khi nhỏ không được đặt đầu ống nhỏ vào sâu mũi của bé.

– Lặp lại động tác trên với đầu trẻ nghiêng về bên còn lại.

– Sau đó khoảng từ 30 giây đến một phút – khi nước muối sinh lý đã thấm vào làm loãng dịch mũi trong hốc mũi, dùng bóng hút hút đờm nhớt dịch mũi ra. Khi dùng bóng hút hút dịch một bên thì bóp xẹp bóng hút, đưa đầu hút vào trong cửa mũi tuyệt đối không được đưa sâu vào mũi trẻ, lấy tay bít mũi bên kia rồi đột ngột buông bóng phình ra.

– Thực hiện việc nhỏ mũi và hút mũi cho trẻ ngày 4 lần đến khi bé không còn dấu hiệu nghẹt mũi, sổ mũi nữa thì dừng. Nên thực hiện trước khi cho trẻ bú. Có thể dùng tăm bông để làm sạch chất nhầy gây nghẹt mũi, sổ mũi.

Lưu ý: Nếu không hút mũi, dịch mũi ứ đọng sẽ tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm. Tuy nhiên không nên hút mũi cho bé nhiều hơn 3-4 lần mỗi ngày.

3. Massage hai bên cánh mũi trẻ

Việc masage hai bên cánh mũi cũng giúp làm loãng dịch nhầy trong mũi trẻ, khiến việc hút, xì dịch nhầy ra ngoài dễ dàng hơn.

4. Cho trẻ uống một số thảo dược giúp giảm hắt hơi, sổ mũi:

Quất, húng chanh hấp đường phèn, mật ong… là những bài thuốc đơn giản, dễ làm có thể giúp trẻ giảm hắt hơi, sổ mũi. Tiện lợi và hiệu quả hơn, ba mẹ có thể mua chế phẩm chứa thành phần Quất, Mật ong, Húng chanh an toàn cho trẻ sơ sinh khi bị nghẹt mũi, sổ mũi…

5. Thoa dầu Tràm – Khuynh diệp vào gan bàn chân của trẻ

Day huyệt Dũng tuyền dưới gan bàn chân 3 lần liên tiếp. Đây là huyệt chủ về khí phế, hô hấp. Để xác định vị trí huyệt dũng tuyền: Co bàn chân và các ngón chân trẻ lại, chỗ hõm xuất hiện ngay ở 1/3 trước gan bàn chân chính là vị trí của huyệt.

6. Cho trẻ bú theo nhu cầu, có thể chia nhỏ các cữ bú

Không nên cho trẻ bú quá no dễ gây nôn trớ, đảm bảo cân bằng lượng sữa đầy đủ trong ngày cho trẻ. Khi bú, mẹ nên bế bé, tuyệt đối không để bé bú khi nằm trong tình trạng nghẹt mũi vì rất dễ gây sặc sữa khiến sữa vào khí quản trẻ. Sau khi bú, nên bế trẻ 20-30 phút. Nên vệ sinh mũi trước khi cho trẻ bú để trẻ bú nhiều hơn và dễ hơn.

7. Giữ ấm cho bé, đặc biệt là ở ngực, cổ, lòng bàn tay, bàn chân

Khi bé ngủ các mẹ nhớ giữ không gian thoáng đãng, bật quạt ở xa và không chiếu thẳng vào bé. Hạn chế bật điều hòa ở nhiệt độ thấp, chỉ cần bật ở mức dễ chịu là được, thông thường là khoảng 28 độ C. Tránh để bé ra, vào phòng điều hòa đột ngột khi nhiệt độ ngoài trời chênh lệch nhiều so với nhiệt độ trong phòng điều hoà. Tốt nhất nên cho bé vào phòng rồi mới bật điều hòa, hoặc tắt điều hòa rồi chờ cân bằng nhiệt độ xong mới cho bé ra ngoài. Nên để chậu nước hoặc thiết bị phun sương trong phòng bé để tránh tình trạng không khí khô khiến niêm mạc mũi trẻ bỏng, rát, tổn thương.

8. Đặt trẻ nằm nghiêng, kê cao đầu cho trẻ khi ngủ

Cảm giác nghẹt mũi thường tăng lên khi nằm. Do đó, việc nằm nghiêng và được kê cao đầu khi ngủ có thể giúp trẻ dễ thở hơn, đỡ cảm giác nghẹt mũi.

9. Không tự ý sử dụng kháng sinh hay bất kỳ một loại thuốc xịt, nhỏ mũi nào

Theo dõi bé, nếu bệnh của con nặng hơn và xuất hiện một số dấu hiệu khác như sốt cao, tắc nghẹt mũi, sổ mũi (chảy nước mũi) kéo dài, dịch nhầy đóng đờm (nước mũi đặc và có màu mỡ gà hoặc hơi xanh) thì cần cho trẻ đi gặp bác sĩ để được khám và điều trị nghẹt mũi sổ mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách.

9 Quy tắc vàng trị nghẹt mũi sổ mũi cho trẻ sơ sinh mẹ cần biết3

Những sai lầm khi điều trị nghẹt mũi sổ mũi cho trẻ sơ sinh tại nhà

1. Rửa mũi quá nhiều cho trẻ

Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi, thậm chí khiến niêm mạc mũi bị rát, mỏng. Trong khi đó, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn.

2. Hút mũi quá mạnh cho trẻ bằng ống hút mũi

Nhiều cha mẹ vừa rửa nhiều lần vừa dùng lực hút mạnh hoặc đưa ống hút vào sâu trong mũi trẻ, khiến niêm mạc mũi trẻ bị tổn thương, thậm chí chảy máu.

3. Hút mũi trẻ bằng miệng người lớn

Theo quan niệm trước đây, dùng mũi người lớn hút mũi cho trẻ thì sẽ “êm” hơn, mũi trẻ không bị bỏng rát. Tuy nhiên việc làm này vô tình truyền vi khuẩn từ miệng cha/mẹ vào mũi trẻ khiến bệnh viêm mũi càng trầm trọng hơn.

4. Tự ý nhỏ thuốc mũi cho trẻ

Một số thuốc co mạch, thuốc kháng sinh chống chỉ định cho trẻ sơ sinh, nhiều cha mẹ vô tình không biết, sử dụng thuốc này gây nguy hiểm cho trẻ, nặng có thể gây tím tái trẻ, nhẹ gây tổn thương, xung huyết niêm mạc mũi.

5. Nhỏ nước ép tỏi vào mũi trẻ

Cách làm này tuyệt đối không áp dụng cho trẻ sơ sinh, thậm chí cả trẻ nhỏ và người lớn vì tinh dầu tỏi gây bỏng rát và tổn thương nghiêm trọng tới niêm mạc mũi của trẻ.

6. Tự mua và cho trẻ uống luôn kháng sinh khi chưa có chỉ định của Bác sỹ

Nguyên nhân của nghẹt mũi, sổ mũi ít khi do vi khuẩn, vì thế việc sử dụng sớm kháng sinh thường không đem lại hiệu quả điều trị nghẹt mũi sổ mũi cho trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, kháng sinh gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ như tiêu chảy, giảm sức đề kháng khiến bệnh trẻ ngày một nặng thêm.

Phạm Ngọc Hoàng